Trong thời kỳ cho con bú nếu chẳng may sức khỏe mẹ không tốt, mẹ bị ốm thì có tiếp tục cho con bú hay dừng, hoặc mẹ có dùng được thuốc không? Và nếu mẹ phải dùng thuốc thì em bé bị ảnh hưởng gì?
Trong thời kỳ cho con bú nếu chẳng may sức khỏe mẹ không tốt, mẹ bị ốm thì có tiếp tục cho con bú hay dừng, hoặc mẹ có dùng được thuốc không? Và nếu mẹ phải dùng thuốc thì em bé bị ảnh hưởng gì? Báo Sức khỏe & Đời sống nhận được rất nhiều câu hỏi băn khoăn của các bà mẹ đang cho con bú về vấn đề này.
Để giải tỏa những lo lắng trên, chuyên gia tư vấn sữa mẹ – với chứng chỉ Chuyên gia tư vấn Sữa Mẹ của Viện sữa mẹ Quốc tế, và Chứng chỉ Thực hành và Vận động Nuôi con Sữa mẹ của Liên minh Hành động vì Nuôi con Sữa Mẹ Thế giới Lê Nhất Phương Hồng chia sẻ, bà mẹ cho con bú và bé bú mẹ được gọi là “một cặp mẹ con” vì có một hệ thống sinh học khép kín giữa hai cá thể này, tạo nên phản hồi trao đổi sinh học nhạy bén, giúp con được bảo vệ tối ưu. Có nhiều bà mẹ thường lo lắng khi mình bị bệnh, mà quên rằng cả mẹ và bé đều đã tiếp xúc với cùng loại vi khuẩn và mầm bệnh từ trước khi mẹ phát bệnh. Điều đặc biệt là ngay khi mẹ và bé tiếp xúc với mầm bệnh, cơ thể mẹ trong vòng vài giờ, và chậm nhất là 24 giờ đã tạo ra và truyền từ máu mẹ vào sữa mẹ đúng loại “kháng thể chỉ định” đối với mầm bệnh đó, để cung cấp con khả năng miễn nhiễm, gọi là “hệ miễn dịch thích ứng”, đáp ứng tức thời trong môi trường mà mẹ và bé tiếp xúc.
"Vì vậy, khi mẹ bị bệnh vẫn nên cho con bú mẹ trực tiếp, để con được cung cấp loại kháng thể cần thiết nhất cho con trong thời điểm đó, kể cả các vấn đề ở bầu vú, đầu ti, cảm cúm, tiêu chảy, dị ứng…cho đến các bệnh như viêm gan B, HIV, ung thư nếu mẹ được xét nghiệm, điều trị bằng dược phẩm hoặc liệu pháp phù hợp đối với bà mẹ cho con bú, theo thông tin trên toa thuốc"- chuyên gia Lê Nhất Phương Hồng nhấn mạnh.
Còn đối với việc người mẹ phải dùng thuốc và tiếp tục cho con bú có ảnh hưởng gì không? Cần phải cân nhắc và xem các yếu tố như nhu cầu sử dụng loại thuốc đó cho bà mẹ, thuốc có ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa, có làm giảm tiết sữa và nồng độ thuốc tiết vào sữa như thế nào, đường tiếp nhận thuốc (tiêm, truyền, uống), liều lượng và thời gian điều trị thuốc như thế nào thuốc dùng một lần hay nhiều lần, khả năng hấp thu vào bé như thế nào?…
"Nhiều bà mẹ thường không biết rõ hoặc “bị hăm dọa” về tác động của thuốc mình uống lên bé, vì vậy hoặc không dám uống thuốc hoặc ngừng luôn việc cho con bú. Cả hai cách ứng phó như thế đều không khoa học, bởi chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ thuốc là chống chỉ định với bà mẹ cho con bú hoặc không tốt cho bé bú mẹ, nên mẹ vẫn có thể dùng loại thuốc đúng, để vừa trị bệnh cho bản thân, vừa yên tâm cho con bú. Do đó, cân nhắc việc cai sữa khi dùng thuốc với việc cho bé tiếp tục bú mẹ thì bà mẹ vẫn nên tiếp tục cho con bú để bé được hưởng lợi từ “hệ miễn dịch thích ứng” chị Lê Nhất Phương Hồng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hãy nói rõ với bác sĩ, dược sĩ việc bà mẹ đang cho con bú, để được lưu ý các loại thuốc phù hợp giúp việc nuôi con sữa mẹ được đảm bảo an toàn, không gián đoạn và việc chữa bệnh cho mẹ vẫn đạt hiệu quả.
0 comments:
Post a Comment